Giám mục và Nhà nước Giám_mục

Cơ cấu tổ chức hiệu quả của Đế quốc La Mã là hình mẫu cho giáo hội trong thế kỷ thứ 4, nhất là sau khi ban hành Chiếu chỉ Milano (năm 313, chấm dứt bách hại hội thánh). Khi giáo hội ra khỏi bóng tối và trở nên một thực thể được công nhận thì cần có những tài sản như đất đai và hệ thống chức sắc. Năm 391, Theodius I ra lệnh hoàn trả tất cả đất đai của giáo hội đã bị tịch biên trước đó.

Thẩm quyền và mục vụ Giám mục thường được hành xử trong phạm vi một giáo phận, theo mô hình của Đế quốc La Mã thời trị vì của Diocletian. Khi chính quyền La Mã mất quyền lực ở phần phía Tây của đế quốc, giáo hội nắm bắt cơ hội và bắt đầu hành xử thẩm quyền trong các vấn đề hành chính. Điều này có thể nhận thấy rõ ràng trong thời trị vì của hai Giáo hoàng: Giáo hoàng Leo I trong thế kỷ thứ 5, và Giáo hoàng Gregory I trong thế kỷ thứ 6. Cả hai vị này đều hành xử như những chính khách và nhà lãnh đạo công quyền song hành với các mục vụ Cơ Đốc như mục tử, giảng dạy và cai quản hội thánh. Ở phương Đông, chính quyền không bị sụp đổ như ở phương Tây, vì vậy các Giám mục không có nhiều cơ may để thu đoạt quyền lực thế tục như xảy ra ở phương Tây. Dù vậy, vai trò của các Giám mục phương Tây nắm giữ thẩm quyền dân sự, thường được gọi là Giám mục vương quyền (prince bishop), tiếp tục kéo dài suốt thời kỳ Trung Cổ.

Giám mục Vương quyền

Quan trọng hơn hết trong số các Giám mục vương quyền là Giáo hoàng, trị vì vương triều của Nhà nước Giáo hoàng (Papal States) trong cương vị Giám mục thành Rôma. Quyền cai trị lãnh địa này dựa trên sự ban tặng của Constantine (Donation of Constantine). Vẫn chưa có sự đồng thuận về tính xác thực của văn kiện này, vì văn kiện bị cho là giả mạo, được làm ra trong quãng thời gian 750850. Trong thực tế, thẩm quyền này phát triển dần theo thời gian sau sự sụp đổ của chính quyền La Mã và chính quyền Byzantine. Nhà nước Giáo hoàng bị huỷ bỏ khi vua Victor Emmanuel II của Ý chiếm thành La Mã năm 1870 và hoàn tất công cuộc thống nhất nước Ý. Động thái này trở nên nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng thường xuyên giữa các Giáo hoàng và chính quyền nước Ý. Năm 1929, Giáo hoàng Pius XI đạt được một thoả thuận với chính quyền Phát-xít của Benito Mussolini để có được lãnh thổ Vatican độc lập, sau khi chấp nhận từ bỏ các lãnh thổ khác của Nhà nước Giáo hoàng. Hoà ước Lateran (năm 1929) công nhận vương quyền độc lập của Giáo hoàng, và thẩm quyền ấy được duy trì cho đến ngày nay.

Có ba Giám mục cao cấp phục vụ trong cương vị Tuyển hầu tước (Elector) trong Thánh chế La Mã. Theo chiếu chỉ của Hoàng đế Karl IV của đế quốc La Mã Thần thánh (Golden Bull năm 1356), các tổng Giám mục Mainz, TrierKöln đương nhiên là các tuyển hầu tước thường trực, có quyền tuyển cử hoàng đế của Thánh chế La Mã.

Trong thời kỳ Trung Cổ, các Giám mục thường phục vụ các vua chúa Âu châu trong cương vị tể tướng, người đứng đầu ngành tư pháp, và tuyên uý trưởng. Hầu như tất cả quan chưởng ấn (Lord Chancellor) của triều đình Anh đều do các Giám mục đảm nhiệm cho đến khi Hồng y Thomas Wolsey bị bãi chức bởi vua Henry VIII của Anh. Tương tự, chức vụ Kanclerz (đồng nghĩa với Chancellor trong tiếng Anh) ở Ba Lan luôn luôn được nắm giữ bởi các Giám mục cho đến thế kỷ 16.

Tại Pháp, trước cuộc Cách mạng Pháp, đại diện của giới tăng lữ - trong thực tế là các Giám mục và viện trưởng các tu viện lớn – là một thành phần trong Thượng viện (First Estate) của Quốc hội Pháp (Estates-General) trong chế độ quân chủ chuyên chế, cho đến khi thể chế này bị huỷ bỏ khi bùng nổ cuộc Cách mạng Pháp.

Trong khi đó, các Giám mục lãnh đạo vẫn tiếp tục duy trì vị trí của mình trong Viện Quý tộc của Quốc hội Anh, đại diện cho giáo hội quốc giáo (established church). Trong quá khứ, Giám mục giáo phận Durham, cũng là một Giám mục vương quyền (prince bishop), hành xử thẩm quyền dân sự ở phía bắc của giáo phận - quyền đúc tiền, thu thuế và thành lập quân đội chống lại người Scotland. Các Giám mục, cũng như giới tăng lữ thuộc Giáo hội Chính thống giáo Đông phương, không được phép nắm giữ các chức vụ công quyền, với một vài ngoại lệ khi xảy ra tình trạng hỗn loạn trong chính trường. Một thí dụ được tìm thấy gần đây là trường hợp Tổng Giám mục Makarios III của Síp đã làm Tổng thống Cộng hoà Síp từ năm 1960 đến 1977.

Giám mục trong Nội chiến Anh

William Laud, Đức Tổng Giám mục xứ Canterbury thời vua Charles I.

Trong giai đoạn nội chiến, vai trò của các Giám mục - tham gia tích cực vào các vấn đề chính trị và bảo vệ quốc giáo - trở nên một vấn đề gây tranh cãi gay gắt. John Calvin xây dựng học thuyết Trưởng Lão (Presbyterianism), cho rằng trong Tân Ước chức vụ trưởng lão (presbyter) và Giám mục (episkopos) là một; ông cũng bác bỏ quyền kế thừa tông đồ (apostolic succession). John Knox, một môn đồ của Calvin, truyền bá học thuyết Trưởng Lão đến Scotland khi Giáo hội Scotland được thành lập năm 1560. Học thuyết này dành cho tín hữu, thông qua các uỷ ban trưởng lão, tiếng nói quyết định trong việc điều hành giáo hội, trái với việc tín hữu bị cai trị bởi hệ thống tăng lữ.

Học thuyết Trưởng Lão giới thiệu một nền dân chủ sơ khai vào thể chế của giáo hội cùng lúc với cuộc tranh chấp quyền lực giữa Quốc hội và Vương quyền Anh. Một thành phần trong Giáo hội Anh giáo tìm cách huỷ bỏ thể chế Giám mục và tái cấu trúc giáo hội theo thể chế trưởng lão. Luận văn Martin Marprelate, đả kích các chức sắc cao cấp, bác bỏ và chế giễu chức Giám mục đã khiến Nữ hoàng Elizabeth I của AnhTổng Giám mục thành Canterbury John Whitgift tức giận.

Vua James I của Anh phản ứng lại sự lăng mạ của các thần dân Scotland theo Trưởng Lão bằng cách chấp nhận khẩu hiệu "Không có Giám mục, không có Vua"; nhà vua đồng nhất thẩm quyền Giám mục với vương quyền, và xem mọi sự phản bác quyền Giám mục là tấn công vào vương triều. Sự xung đột lên đến đỉnh điểm khi vua Charles I của Anh bổ nhiệm William Laud làm Tổng Giám mục Canterbury; Laud tấn công phong trào Trưởng Lão và tìm cách áp đặt nghi thức Anh giáo trên tất cả giáo hội. Cuối cùng Laud bị luận tội vì cáo buộc phản quốc và bị xử tử. Charles I cũng cố áp đặt thể chế Giám mục trên xứ Scotland nhưng gặp phải sự chống đối của dân bản xứ, dẫn đến cuộc Chiến tranh Giám mục từ năm 1639 đến năm 1640.

Đỉnh cao quyền lực của phong trào Thanh giáo thể hiện trong thời kỳ Cộng hoà (the Commonwealth) dưới sự lãnh đạo của Oliver Cromwell, thể chế Giám mục bị huỷ bỏ trong Giáo hội Anh năm 1649,[7] cho đến khi vương quyền được phục hồi năm 1660 khi Charles II của Anh lên ngôi.[8]